HOTLINE: 024. 3 678 6789 - 083 889 6767
Nhà bạn vừa xây xong, nhưng niềm vui nhà mới chưa được bao lâu, sau một trận mưa rào bạn đã thấy xuất hiện những vệt nước trên tường. Vệt nước đó ngấm loang lổ rồi làm bong tróc lớp sơn vừa mới quét. Thật sự khó chịu, vậy làm sao ngăn chặn được nó trước khi xuất hiện cơn mưa rào tiếp theo?
Chống thấm mái, chữa căn bệnh từ gốc
Mái nhà là bộ phận trực tiếp chịu ảnh hưởng của mưa gió nhiều nhất và là nơi dễ thấm nhất. Chắc rằng bạn cũng đồng ý có bệnh thì phải chữa từ “gốc”, không chữa mãi phần “ngọn” được. Ở đây cần tìm hiểu nguyên nhân gây thấm, chính là cái gốc, căn nguyên của mọi vấn đề. Các bề mặt sân thượng, mái thường có ống máng thu nước, cần xem lại việc thoát nước của các đường ống này có được tốt, có gì cản trở trên dòng chảy thoát nước, gây ứ đọng nước không. Để thoát nước tốt, bạn nên tạo mái có độ dốc từ 1 – 3% về hướng máng nước. Các rãnh nước nằm ngang cũng phải có độ dốc về miệng ống thoát nước phải có lưới che chắn rác, lá cây làm trì đọng trong ống gây cản trở việc thoát nước.
Nếu ống máng vẫn thoát nước tốt, bạn xem lại trên mặt sàn có vết nứt hoặc chỗ trũng nào đọng nước, có thể ngấm xuống trần? Nếu có, bạn phải lật các lớp gạch lát nền, lớp vữa lót cho đến khi thấy sàn bê tông. Chú ý không bao giờ dùng xi măng gắn lại các mạch vỡ trên bề mặt gạch lát vì chúng sẽ mau chóng bị nứt và ngấm. Bạn cần đục tẩy các lớp vữa cho đến khi trơ ra lớp vữa bê tông. Trước khi chuẩn bị chống thấm bạn cần xối nước làm sạch các vị trí nứt. Bạn dùng nước pha xi măng theo tỉ lệ 5/1 rồi khuấy đều dội xuống vết nứt. Biện pháp này tương tự như lúc bảo dưỡng bê tong sàn mái, với mục đích cho xi măng ngấm vào các khe nứt, bít kín lại. Nếu bê tong bị nứt vỡ nghiêm trọng xuống cả trần dưới cũng nhìn thấy vết nứt bạn cần trám vá lại bằng nước vữa xi măng lỏng. Sau đó bạn cùng chất chống thấm phủ lên bề mặt vết nứt làm rộng ra khoảng chừng 1m2 xung quanh.
Nếu bạn có một bề mặt mái lớn và bằng phẳng, có thể áp dụng tấm trải chống thấm. Đây là hỗn hợp giữa bitum – polymer với màng sợi gia cường có tính composite, tạo nên độ ổn định và độ bền cho sản phẩm giữa thời tiết khắc nghiệt. Khi thi công, trải tấm chống thấm lên chân tường ít nhất là 10cm để nước không bị ngấm xuống mái. Dùng đèn xì hơ nóng chảy mặt dưới tấm chống thấm đến khi nhựa ứa ra là có thể dán tấm lên mặt sàn bê tong một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Xử lý các vết ngấm trên tường
Có nhiều khi, vết ngấm trên tường nằm ở những vị trí khá đặc biệt: độ cao từ sàn khá bằng nhau (thường là lưng chừng tường), cách quãng cũng khá đều. Lúc đó bạn hãy nghĩ đến nguyên nhân là do các lỗ hổng mà thợ dùng để bắc giàn giáo lúc thi công. Những lỗ hổng đó chỉ được bít gạch và trát lại vào giai đoạn cuối cùng của công trình bằng thứ vữa thường là nhiều lượng xi măng hơn vữa trát thông thường. Hai loại vữa đó có độ co ngót khác nhau gặp khi thời tiết thay đổi chúng tách ra tạo thành khe nứt, làm nước ngấm vào chân tường. Để khắc phục hiện tượng này, bạn phải đục bỏ lớp vữa trát lỗ giáo cũ rồi trộn vữa đúng tỷ lệ đã dùng để trát lại tường. Tốt nhất là vá một mảng rộng hơn chính vết nứt cũ để nước không còn cơ hội ngấm qua tường gạch. Sau đó cần dùng nước xi măng thật loãng để quét. Liên tục khuấy đều chổi vào nước xi măng trước khi quét. Pha thêm vào một chút sơn polymer – cimet hoặc sơn tường. Quét hai lớp cách nhau ít nhất 4 giờ.
Để việc chống thấm được hiệu quả
Hiện nay, đã có nhiều loại sơn có tín năng chống thấm rất tốt. Sử dụng loại sơn này, bạn vừa làm đẹp cho các bề mặt tường bên ngoài nhà, vừa bảo vệ được hữu hiệu cho bức tường trước mùa mưa. Một điều lưu ý chung khi sử dụng tất cả các chất chống thấm là phải thực hiện càng sớm càng tốt và trực tiếp lên bề mặt bê tông. Không sử dụng lên bề mặt các lớp hoàn thiện như gạch lát, hay vữa lót không ổn định. Nếu bạn sử dụng cho công trình cũ đã lát các lớp gạch chống nóng, gạch lá nem, gạch men, không còn cách nào khác là phải dỡ toàn bộ các lớp lát này lên, làm sạch bề mặt bê tong rồi mới tiến hành theo từng loại sản phẩm. Có như vậy bạn mới giải quyết được triệt để hiện tượng thấm dột, vốn là nỗi ám ảnh của nhiều chủ nhà khi mùa mưa tới.